Để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho ngành Nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 885 phê duyệt “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030”. Đây được xem là mục tiêu chiến lược để các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và ngang tầm với các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các hợp tác xã và các doanh nghiệp ngoài tỉnh tham quan mô hình tôm – lúa ở huyện Hồng Dân (thu hoạch tôm trên đất lúa ở xã Vĩnh Lộc).
CƠ HỘI CHO BẠC LIÊU
Nhằm chủ động sản xuất hàng hóa chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông, thủy sản xuất khẩu, từ năm 2019, Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch “Phát triển mô hình tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng trên hệ thống canh tác tôm – lúa vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Do vậy, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 885 phê duyệt “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030” đã mở ra cơ hội cho mô hình sản xuất tôm – lúa phát triển và hứa hẹn tạo nên những đột phá mới, nhất là các chính sách hỗ trợ dành cho mô hình sản xuất này.
Nông dân huyện Phước Long cấy lúa ST 24 trên đất nuôi tôm.
Thực tiễn trong những năm qua đã chứng minh, mô hình tôm – lúa được đánh giá là mô hình sản xuất thông minh. Đó là mô hình sản xuất khép kín, có tính hỗ trợ lẫn nhau và phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
Qua 10 năm triển khai và áp dụng trên đồng đất của Bạc Liêu, mô hình tôm – lúa được đánh giá là hiệu quả và bền vững. Đây là một trong những mô hình sản xuất ít tác động xấu tới môi trường xung quanh, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với năng lực tài chính của phần lớn nông dân. Đặc biệt, việc áp dụng mô hình này đã làm giảm các áp lực cho môi trường sản xuất, nhất là việc lạm dụng các loại hóa chất cấm, thuốc thú y thủy sản gây ô nhiễm môi trường như các mô hình nuôi tôm khác.
Thực tế cho thấy, sau vụ nuôi tôm, đất trở nên ổn định hơn (giảm được phèn) và đến vụ sản xuất lúa thì cây lúa phát triển mạnh, giảm được chi phí phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) do xác tảo chết, mùn bã hữu cơ, vi sinh vật và thức ăn dư thừa của vụ nuôi tôm trước làm nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây lúa… Ngược lại, đất được canh tác qua một vụ lúa thì cách ly được mầm bệnh, khi cải tạo nuôi tôm, rơm rạ phân hủy lại là nguồn dinh dưỡng kích thích động – thực vật phù du phát triển trở thành nguồn thức ăn tự nhiên giàu dinh dưỡng cho con tôm. Mặt khác, trồng lúa trên ruộng sau vụ tôm chi phí chỉ bằng 60 – 70% vùng chuyên lúa, đặc biệt với giống chất lượng cao sẽ cho lợi nhuận cao và góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn ở các địa phương…
Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch lúa Một bụi đỏ trên đất nuôi tôm. Ảnh: L.D
ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT
Mô hình sản xuất lúa – tôm tuy chứng minh được tính hiệu quả và bền vững, nhưng muốn phát huy tiềm năng, thế mạnh từ mô hình này thì bản thân người nông dân không thể “tự bơi”! Do vậy, việc phát huy vai trò của doanh nghiệp trong việc liên kết sản xuất với nông dân được xem là một trong những giải pháp quan trọng và mang tính quyết định. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, từ năm 2019, Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Bồ Đề Bạc Liêu đã phối – kết hợp với Hội Nông dân, Liên minh HTX tỉnh triển khai Đề án chuyên nghiệp hóa người nông dân. Trong đó có việc ký kết hợp tác với 5.000 hộ nông dân và các HTX sản xuất mô hình lúa – tôm trên địa bàn tỉnh, nhằm sản xuất ra “tôm sạch, lúa an toàn” phục vụ thị trường xuất khẩu. Đồng thời, hướng đến xây dựng thương hiệu cho con tôm sạch xuất khẩu mang thương hiệu Bạc Liêu. Đây được xem là doanh nghiệp tiên phong trong liên kết sản xuất với nông dân thông qua mô hình liên kết chuỗi khép kín, trong đó Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Bồ Đề Bạc Liêu đầu tư, hỗ trợ toàn bộ quy trình nuôi gắn với bao tiêu sản phẩm và “xóa trắng” nợ cho nông dân nếu quá trình nuôi gặp phải rủi ro.
Xuất phát từ sự đồng hành và chia khó với người nông dân, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ đầu tư vốn cho tỉnh Bạc Liêu phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất lúa – tôm, với tổng kinh phí 4 tỷ đồng. Trong đó, mời Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Bồ Đề Bạc Liêu hợp tác với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trong việc liên kết với nông sản xuất ra tôm sạch gắn với bao tiêu sản phẩm theo quy trình của Bồ Đề. Đồng thời, phát triển và nhân rộng mô hình này ở các tỉnh của khu vực ĐBSCL.
Những năm qua, mô hình sản xuất tôm sạch ứng dụng công nghệ của Bồ Đề thông qua việc sử dụng sản phẩm Bồ Đề – Mother Water ở HTX Quyết Tâm, HTX Thiên Phú (huyện Phước Long), HTX Phong Thạnh, HTX Thành Công 1 (TX. Giá Rai), HTX Ngô Kim, HTX Hưng Thịnh, HTX Chiến Thắng (huyện Hồng Dân) và hàng trăm nông dân sản xuất mô hình lúa – tôm khác ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A đều trúng tôm. Nông dân Nguyễn Văn Bạn (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) cho biết: “Với 2ha sản xuất mô hình lúa – tôm, năm qua tôi sử dụng sản phẩm Bồ Đề – Mother Water nên mang lại hiệu quả rất cao. Nếu như trước đây, sử dụng các sản phẩm khác, chi phí đầu tư phải tốn thêm gần 8 triệu đồng, nhưng môi trường nuôi lại bị ô nhiễm, tôm chết. Thế nhưng từ khi sử dụng sản phẩm Bồ Đề – Mother Water, môi trường nuôi đã được cải thiện đáng kể, lượng thức ăn tự nhiên trong nước nhiều, tôm lớn nhanh, thịt chắc và bán được giá khá cao. Hiện nay, tôi tiếp tục sử dụng sản phẩm của Bồ Đề và tôm đang phát triển tốt”.
Có thể nói, với những thành công mang lại từ mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân đã tạo nên sức bật và nguồn lực mới cho mô hình lúa – tôm phát triển. Sự liên kết này sẽ góp phần đưa Bạc Liêu thực hiện thắng lợi Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ mà Chính phủ ban hành, đặc biệt là kế hoạch phát triển mô hình lúa – tôm theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh với mục tiêu: sau năm 2020 diện tích lúa – tôm đạt khoảng 1.200ha và năm 2025 đạt 41.000ha, cho tổng sản lượng 20.500 tấn. Qua đó, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A đạt 400 triệu USD vào năm 2020 và đạt 500 triệu USD vào năm 2025 (chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh).
LƯ TRUNG
Theo Báo Bạc Liêu Online