Thực tiễn đã chứng minh, muốn có một nền nông nghiệp hiện đại thì cần phải có một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Để trở thành nông dân chuyên nghiệp thì nông dân phải đổi mới và tự thay đổi tư duy của mình. Phải học hỏi và cập nhật liên tục các tiến bộ khoa học – kỹ thuật; học tập một cách bài bản và có chọn lọc những kiến thức mà nhà khoa học đã chuyển giao. Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Bồ Đề Bạc Liêu (Bode Group – gọi tắt là Công ty Bồ Đề) đã tạo điều kiện hỗ trợ để nông dân trở thành chuyên nghiệp.
Phát huy vai trò làm chủ nông thôn mới
Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ hiện đại
Để phát huy vai trò và vị trí quan trọng của sản xuất nông nghiệp gắn với thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, từ năm 2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Mục tiêu quan trọng của Nghị quyết này chính là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hòa giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới. Đồng thời, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài…
Tuy nhiên, qua gần 12 năm thực hiện Nghị quyết 26, nhiều mục tiêu quan trọng vẫn chưa đạt được, nhất là trình độ sản xuất của nông dân hiện vẫn chưa ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bất cập này, nhưng nguyên nhân chính là do người nông dân chưa được chuyên nghiệp hóa. Chính điều này dẫn đến việc người nông dân khó thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của sự nghèo khó, không chỉ không tăng được năng suất, lợi nhuận, chất lượng mà luôn bị chi phối về thị trường và không thể tạo ra sản phẩm hàng hóa cạnh tranh. Đặc biệt, nông dân luôn bị động trong việc ứng phó với những diễn biến cực đoan từ biến đổi khí hậu và không thể xây dựng được các mô hình sản xuất bền vững.
Cụ thể như trong nuôi trồng thủy sản, nếu nông dân cứ giữ thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh, không quan tâm áp dụng các quy trình nuôi tiên tiến và sử dụng công nghệ sinh học sạch, thân thiện với môi trường thì sẽ không tạo ra sản phẩm sạch, khó cạnh tranh trên thị trường, sản phẩm không bán được giá cao. Bên cạnh đó, còn dẫn đến hệ lụy là các vụ nuôi bị thiệt hại bởi sự tàn phá môi trường…
Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ hiện đại
Để giải quyết những bất cập trên và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26, Công ty Bồ Đề đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chấp thuận cho triển khai Đề án “Chuyên nghiệp hóa người nông dân”. Đây là Tập đoàn tiên phong và cũng là doanh nghiệp duy nhất được tỉnh chọn để triển khai Đề án này. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở NN&PTNT đã cùng với Công ty Bồ Đề hợp tác thí điểm thực hiện Đề án; Công ty Bồ Đề cũng đã ký kết hợp tác với Hội Nông dân giai đoạn 2019 – 2023.
Mục tiêu của Đề án chính là làm thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm của nông dân và không ngừng nâng cao trình độ sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm phục vụ tích cực quá trình đổi mới, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp hiện đại mang lại giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Qua đó, góp phần quảng bá, xây dựng thương hiệu con tôm Bạc Liêu gắn với xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành tôm của cả nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đây được xem là mục tiêu chiến lược nằm trong 5 trụ cột phát triển kinh tế – xã hội được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và xác định là khâu đột phá để Bạc Liêu tăng tốc.
Nếu xem xét và phân tích kỹ thì số lượng nông dân có thể làm giàu từ nông nghiệp là những người nông dân biết đổi mới. Họ biết tự tìm tòi, học hỏi những cách làm hay, tự mày mò tìm được những cách làm tốt hơn. Vì vậy, mục tiêu cụ thể của Đề án “Chuyên nghiệp hóa người nông dân” chính là giúp nông dân hiểu được những kiến thức, bản chất, quy luật cơ bản của nền kinh tế thị trường là quan hệ hàng hóa và thương hiệu; nông dân chỉ tập trung sản xuất cái thị trường cần, thay vì sản xuất tự phát hay chỉ làm ra cái nông dân tự có. Việc chuyên nghiệp hơn trong sản xuất sẽ giúp nông dân đóng vai trò là người công nhân trên đồng ruộng, sản xuất ra hàng hóa theo mô hình chuỗi được quản lý theo quy trình, có nguồn gốc xuất xứ, khẳng định được thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh và mang lại nhiều giá trị. Đây là những vấn đề cơ bản để sản xuất nông nghiệp thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Nghị quyết 26 đề ra và xây dựng các mô hình sản xuất bền vững theo hướng chủ động, thích ứng, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay phải có ngay các giải pháp mang tính chủ động và “sống chung”.
Trong các hội nghị tổng kết và chỉ đạo sản xuất, ông Dương Thành Trung – Chủ tịch UBND tỉnh luôn khẳng định: “Mục đích cao nhất trong thực hiện các chương trình, dự án phát triển của tỉnh chính là tập trung nâng cao đời sống cho người nông dân. Kinh tế có tăng trưởng mà người nông dân không được hưởng lợi, thu nhập không được nâng cao thì cũng chẳng ý nghĩa gì”.
Hỗ trợ và chia khó cùng nông dân
Có một điều đáng ghi nhận, để khuyến khích nông dân tích cực tham gia thực hiện Đề án “Chuyên nghiệp hóa người nông dân”, Công ty Bồ Đề đã thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân mà từ trước đến nay chưa có doanh nghiệp nào tham gia thực hiện. Đó là ngoài tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao quy trình nuôi tôm an toàn theo quy trình công nghệ sinh học, Công ty còn đầu tư con giống và sản phẩm công nghệ sinh học Bồ Đề – Mother Water, men, khoáng mà người nông dân không cần phải trả tiền trước. Đặc biệt, Công ty luôn đồng hành, chia sẻ rủi ro cùng bà con nông dân đến cuối vụ và thực hiện bao tiêu sản phẩm đầu ra. Nếu hộ nào chẳng may bị thiệt hại do thời tiết, môi trường…, Công ty Bồ Đề sẽ thực hiện “xóa trắng nợ”.
Với những kết quả thiết thực mang lại từ việc triển khai Đề án “Chuyên nghiệp hóa người nông dân”, thiết nghĩ cần nhân rộng trong nông dân. “Qua thực hiện Đề án đã góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ nông dân, góp phần tăng năng suất cho mô hình nuôi tôm. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền và phối hợp để thực hiện tốt Đề án này”, ông Phạm Tấn Tài – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh.
—————————————————————————
Tuy mới triển khai Đề án từ năm 2019, nhưng thực tiễn từ các hợp tác xã áp dụng quy trình và sử dụng sản phẩm của Công ty Bồ Đề đều trúng mùa tôm, đặc biệt môi trường nuôi đã cải thiện đáng kể. Đây được đánh giá là một trong những giải pháp mang tính chiến lược phù hợp với quy luật phát triển bền vững, đó là sản xuất phải gắn với bảo vệ môi trường và vì sự phát triển thịnh vượng trong tương lai. Vì vậy, Đề án “Chuyên nghiệp hóa người nông dân“ đã và đang được các cấp, các ngành và địa phương tập trung lãnh đạo với mục tiêu là không ngừng nâng cao đời sống cho nông dân.
Trích nguồn: Báo Bạc Liêu