Ứng dụng công nghệ sinh học vào nuôi tôm giúp giảm hơn 30% chi phí đầu tư, năng suất, lợi nhuận cao gấp 2 – 3 lần so với trước. Đó là khẳng định của nhiều nông dân khi tham gia đề án “Chuyên nghiệp hóa người nông dân” do Ủy ban nhân dân huyện An Biên phối hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề thực hiện.
Mới đây, tại buổi tham quan ruộng trình diễn của hộ ông Nguyễn Văn Huyền, ngụ ấp Hai Xáng, xã Nam Yên (An Biên), một trong những hộ tham gia đề án “Chuyên nghiệp hóa người nông dân”, nhiều người phải trầm trồ về màu nước trong ao nuôi tôm lẫn chất lượng tôm nuôi. Tham gia đề án “Chuyên nghiệp hóa người nông dân”, ông Huyền và nhiều nông dân khác được chuyển giao quy trình nuôi tôm an toàn sinh học, được hỗ trợ 75% giá trị sản phẩm sinh học Bồ Đề – Mother water do Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề sản xuất và phân phối. Ông Huyền cho biết: “Sau thời gian sử dụng sản phẩm Bồ Đề – Mother water để xử lý môi trường nước nuôi tôm, kết quả đạt được hết sức khả quan. Sau khi sử dụng từ 3 – 5 ngày, giúp ổn định và cân bằng độ pH, độ kiềm ổn định, gây màu nước, tạo oxy đáy ao, giảm khí độc, tôm nuôi mau lớn hơn so với trước”.
Tại buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm “Chuyên nghiệp hóa người nông dân” mới đây do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Hội Nông dân tỉnh phối hợp Ủy ban nhân dân huyện An Biên, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề tổ chức đã thu hút hơn 200 nông dân nuôi tôm đến từ các huyện Kiên Lương, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, An Minh và các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Một số nông dân cho biết, nếu trước đây nuôi tôm – lúa năng suất tôm chỉ đạt khoảng 300-400 kg/ha thì khi sử dụng sản phẩm sinh học đã giúp tăng năng suất tôm lên tới 1 tấn/ha. Một số hộ thu hoạch tôm năng suất, lợi nhuận cao gấp 2 – 3 lần so với trước.
Đồng chí Tô Thanh Đoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện An Biên cho biết, toàn huyện có diện tích đất lúa 27.279ha, chủ yếu sản xuất lúa 2 vụ/năm. Do điều kiện sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, nhất là nguồn nước ngọt từ nước mưa là chính nên năng suất, sản lượng và giá trị sản xuất không cao. Những năm gần đây, An Biên đã tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu. Huyện đã chuyển dịch 20.484ha từ sản suất lúa 2 vụ kém hiệu quả sang luân canh 1 vụ tôm – 1 vụ lúa. Nhờ đó, giá trị sản suất tăng cao hơn từ 3-5 lần so trước đây. “Chủ trương của huyện là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nhằm mục tiêu lâu dài là biến khó khăn, thách thức thành thuận lợi; xây dựng vùng sản xuất tôm – lúa hữu cơ bền vững; xây dựng thương hiệu tôm – lúa hữu cơ cho địa phương theo chỉ dẫn địa lý, thổ nhưỡng của huyện; tạo ra cộng đồng sản xuất có trách nhiệm, sản xuất thích ứng với biển đổi khi hậu, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái bền vững. Việc thực hiện đề án “Chuyên nghiệp hóa người nông dân” cũng nằm trong kế hoạch thực hiện mục tiêu này”, đồng chí Tô Thanh Đoàn nói.
Thực hiện theo đề án “Chuyên nghiệp hóa người nông dân”, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề đã triển khai tập huấn tại 7 xã trên địa bàn huyện, được 8 lớp, có 612 cán bộ hội viên, nông dân tham dự. Bên cạnh đó, mỗi nông dân tham dự còn được công ty hỗ trợ 10 lít sản phẩm Bồ Đề – Mother water để sử dụng trong quá trình nuôi tôm. Thông qua đề án, công ty còn hỗ trợ cho 40 hộ dân tham gia thực hiện mô hình điểm để so sánh, mỗi hộ thực hiện diện tích 1ha, thực hiện theo đúng theo quy trình sinh học Bồ Đề – Mother water. Mỗi xã chọn từ 3 – 5 hộ làm điểm trình diễn, mỗi ha sử dụng 90 lít sản phẩm sinh học Bồ Đề/ha/vụ nuôi.
Bà Nguyễn Thị Hằng – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề cho biết: “Qua tham quan thực tế mô hình sử dụng quy trình sinh học sản xuất với sản phẩm Bồ Đề – Mother water, các đại biểu đánh giá hiệu quả rõ rệt về cải thiện môi trường. Tình trạng ngộ độc hóa học, ngộ độc phèn đã được cải thiện rõ rệt. Hệ vi sinh vật, sinh vật có lợi tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm phát triển mạnh. Tôm nuôi phát triển nhanh, năng suất tăng”.